A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô, trò và Bộ trưởng Giáo dục

“Các bạn ơi, cô ơi, Bộ trưởng chắc chắn sẽ dự giờ lớp mình đấy!” Gần 40 học trò của lớp 9G, THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An) đã tranh nhau thập thò nhìn qua khung cửa lớp để hò reo như vậy…

“Các bạn ơi, cô ơi, Bộ trưởng chắc chắn sẽ dự giờ lớp mình đấy!” Gần 40 học trò của lớp 9G, THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An) đã tranh nhau thập thò nhìn qua khung cửa lớp để hò reo như vậy…

Gần trưa ngày 3/1, đoàn các thầy cô giáo, chuyên viên của Bộ GD-ĐT do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã đến trường THCS Đặng Thai Mai dự giờ. Có 6 lớp học được nhà trường “dàn trận” sẵn để đón đoàn nhưng bất ngờ đã đến với lớp 9G khi được đón đoàn trong giờ dạy tiếng Anh.

Khoảnh khắc “hụt hơi” của cô giáo

“Lúc đó, mình chỉ biết đứng như trời trồng. Đông người quá, lại toàn là lãnh đạo của mình. Nhưng khi thấy Bộ trưởng cười rất tươi “Chào cô giáo” rồi điềm tĩnh tìm một chỗ ngồi, lấy vở ghi rất nghiêm túc và chăm chú như một… học sinh ngoan, chứ không phải là một lãnh đạo cao nhất của ngành thì hồn vía mình mới quay trở lại”. 14 năm đứng lớp nhưng nhìn cô giáo Phan Thị Hải Yến còn khá trẻ, cô đã kể lại cảm giác khi nhìn thấy đoàn người kéo đến lớp học của mình như vậy.

Nhận xét về giờ dạy tiếng Anh, Bộ trưởng khen cô giáo rất tự tin, giờ học sôi nổi, vui tươi, các em học sinh không thấy mệt.

 

Tuy có chê, nhưng cách chê của Bộ trưởng cũng rất tinh tế khi ông nói: “Khi gọi học sinh phát biểu, cô giáo nên để ý một chút để cho các em bình tĩnh nói chứ không nên “thay quân” nhanh quá sẽ làm học trò thấy tủi thân”.

Cũng trong câu chuyện của cô Yến thì Bộ trưởng dự giờ là một áp lực rất lớn với cô vì ông không chỉ là người lãnh đạo ngành cao nhất lần đầu tiên cô được tiếp xúc mà còn vì cô vẫn nghe nói ông còn là một nhà hùng biện tiếng Anh rất giỏi, một người thông thạo 4 ngoại ngữ và khi phải giảng bài trước sự giám sát của một người thầy lớn như vậy, những phúc đầu tiên thật sự là quá sức với cô và cô đã phải cố gắng bằng tất cả sự tự tin của một giáo viên giỏi hàng chục năm liền để không bị… hụt hơi! Nhưng sự thân thiện của Bộ trưởng đã nhanh chóng giúp cô qua được những giây phút tưởng như là khó khăn nhất đối với mọi giáo viên.

“Thầy có dáng vẻ mô phạm và vẫn gần gũi, tin cậy nên khiến người đứng trên bục giảng rất tự tin. Chính trong giờ học này, vì bất ngờ nên đã nảy sinh ra nhiều tình huống mới không có trong giáo án và cả thầy và trò chúng tôi đều cảm thấy đó là một giờ học thú vị nhất từ trước đến nay” - cô Yến kể lại giờ học đáng nhớ đó.

Cô Yến nói: “Đó sẽ là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời làm cô giáo của tôi. Trước đây, tôi đã rất yêu quý Bộ trưởng qua một lá thư Thầy gửi cho các thầy cô giáo, giờ tôi không còn nhớ lá thư đó viết những gì, chỉ nhớ là cảm giác của tôi xúc động lắm. Giờ cũng vậy. Hiếm có Bộ trưởng nào đi thực tế nhiều và tận tâm với ngành như Thầy. Tôi không biết dư luận hay kêu ca thế nào chứ trong ngành chúng tôi, chắc không có mấy người là không yêu quý Thầy như tôi”.

 
Cả cô và trò đều cảm thấy đó là một giờ học thú vị nhất.

Bàn tay phải của em vẫn luôn chờ bác ấy quay trở lại…

 Khác với cô giáo, lũ học trò lớp 9G thì chẳng run tí nào và các em đều hớn hở ra mặt.

Một giờ học không có “kịch bản”, không có “diễn viên” với số học sinh phát biểu sôi nổi đều khắp trong cả lớp. Cậu học trò Nguyễn Trung Kiên khi được hỏi còn nói: “Giờ học bình thường chúng em còn sôi nổi hơn, vì hôm nay là nhà có khách nên nhiều bạn còn nhát không dám giơ tay đấy ạ!”.

Kiên và cô bạn ngồi cạnh mình là Lê Ngọc Trâm cùng nhiều cô cậu học trò khác của 9G  khi được hỏi vì sao không thấy run tí nào đều đã hồn nhiên trả lời: “Vì bác ấy rất… cao lớn, đẹp trai và cười rất tươi nên chúng em không thấy sợ nữa ạ!”

Trong cuộc trò chuyện cuối buổi học của Bộ trưởng với học sinh bằng tiếng Anh, lũ học trò thích chí rèo hò ầm ĩ và tranh nhau đồng loạt trả lời trước mỗi câu hỏi của ông. Đến khi Bộ trưởng chào và hẹn gặp lại lũ trẻ trên… tivi thì các em đều vỗ tay rộn ràng, có em còn chạy ra ôm chặt lấy ông.
 

Lũ học trò lớp 9G chẳng run tí nào và các em đều hớn hở.

Không được Bộ trưởng đến lớp dự giờ nhưng cô bé Nguyễn Thị Quỳnh Anh, lớp 8G khi được biết hôm nay trường mình được đón khách quý đã xách theo máy ảnh của bố và chầu chực ngoài sân trường trong các giờ giải lao để đợi ông. Cuối cùng, cô bé nhỏ thó ấy cũng chen chúc trong hàng trăm học sinh để chụp được Bộ trưởng những tấm hình đẹp nhất.

“Em về sẽ nhờ bố em chuyển ra máy tính, em sẽ ghi lại thành file riêng với tên là Quỳnh Anh và Bộ trưởng Giáo dục, mặc dù, em chẳng có được cái nào chụp chung với bác ấy. Nhưng em sẽ nhớ là năm 13 tuổi, Quỳnh Anh đã chụp được những tấm ảnh rất có ý nghĩa”- cô bé vừa khoe ảnh, vừa trả lời.

Còn Vũ Đình Đạt, cậu học trò lớp 6C ục ịch với hai má đỏ hồng như con gái đã chìa hai bàn tay ra và nói: “Em vừa chen chân để bắt tay được bác Bộ trưởng đấy chị ạ. Nhưng vội quá nên em chỉ xòe kịp tay trái để bắt tay bác ấy. Em sẽ ngày ngày đợi bác Bộ trưởng ở sân trường này, chắc chắn sẽ có ngày bác ấy quay trở lại và bàn tay phải của em sẽ chờ để lại được bắt tay bác”.

Không hồn nhiên như học trò của mình nhưng cô hiệu trưởng của trường Đặng Thai Mai cũng có tâm trạng như vậy: “Cô và trò chúng tôi luôn mong sẽ có thêm những ngày rộn ràng và háo hức như ngày hôm nay …” 

Dự giờ tại một số các trường THCS là một trong những nội dung của Hội thảo Chỉ đạo quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3/1 tại Nghệ An với sự tham gia của hơn 70 lãnh đạo, chuyên viên Bộ và hơn 200 đại biểu đại diện cho 9 tỉnh thành.

Sau Hội thảo này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thắp “bó đuốc” đổi mới phương pháp dạy học trong toàn ngành. Ưu tư lớn nhất của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong quá trình “thắp đuốc” này chính là: “Nếu không tạo động lực và sự hỗ trợ cần thiết cho giáo viên thì dù có phát động nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động cũng không thể thay đổi được cách dạy học cũ. Đã đến lúc chúng ta không thể để giáo viên "đơn độc" và "tự bơi" trong quá trình đổi mới”.

Ông cũng đã có bài tổng kết chi tiết với những định hướng cu thể về việc vì sao phải đổi mới, khi đổi mới thì giáo viên cần làm gì, hiệu trưởng cần làm gì, Sở GD làm gì, Bộ GD làm gì…Tuy nhiên, để biến những ý tưởng và sự chỉ đạo của Bộ trưởng thành hiện thực thì cần sự đồng tâm hiệp lực hơn nữa của ngành giáo dục. Nếu không, đúng như nhận xét của ông: “Bánh xe lịch sử sẽ quay mà ngành vẫn còn đang trong tranh cãi”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội